8 cú sốc trong năm 2015 với làng công nghệ thế giới

Năm 2015 được xem là thời điểm có nhiều thay đổi, biến cố với thế giới công nghệ nói chung.

Tháng 1: Microsoft bỏ qua Windows 9 để tiến tới Windows 10

Như chúng ta đã biết, trái với những tin đồn sát giờ lên sóng của sự kiện giới thiệu hệ điều hành Windows mới và hàng loạt những rò rỉ trước đó, Microsoft đã thực sự tạo ra được bất ngờ cho các tín đồ của PC khi tung ra Windows 10 thay vì tên gọi Windows 9. Lý do được hãng khổng lồ phần mềm Mỹ đưa ra khi đó chính là việc đem tới cho người dùng những trải nghiệm vượt trội so với nền tảng Windows 7 và 8 trước đó.


Tuy nhiên, trên thực tế, vấn đề thực sự nằm ở mã định danh của Windows. Do thời kì sơ khai, việc tạo ra mã định danh đã được các lập trình viên của Microsoft "làm tắt" và bị trùng với tên mã của Windows 9. Thay vì ghi rõ từng phiên bản, hãng đã đưa ra mã "Windows 9X" dùng chung cho cả Windows 95 và 98. Do đó, khi lên tới nền tảng Windows mới, việc dùng số 9 có thể bị trùng với nền tảng cũ và các phần mềm đi theo.

Tháng 2: Tính trung lập cho mạng Internet

Vào khoảng giữa tháng 3 năm nay, FCC (Federal Communications Commission - Uỷ Ban Truyền Thông Liên Bang Hoa Kỳ) đã thông qua một đạo dự luật mới có độ dài... 400 trang quy định chi tiết về một khái niệm gọi là Net neutrality - tính Trung lập cho mạng Internet, có thể hiểu nôm na là sự tự do và bình đẳng trong việc truy cập Internet của người dùng.

Điều đó cũng có nghĩa là dù chúng ta đang sử dụng dịch vụ gì, của nhà mạng nào thì họ cũng sẽ không có quyền chặn truy cập hoặc "bóp" băng thông trên một dịch vụ Internet mà bạn đang sử dụng (các dịch vụ Streaming âm nhạc chẳng hạn). Nhìn chung, đây được xem là công cụ để FCC đảm bảo quyền lợi cho người dùng Internet, bắt đầu từ nước Mỹ.

Tháng 4: Apple lần đầu bán ra 1 chiếc smartwatch

Sau rất nhiều đồn đoán của người dùng, vào tháng 4 năm nay, Apple đã chính thức bán ra chiếc smartwatch thế hệ đầu tiên với tên gọi Apple Watch. Nhìn chung, máy được đánh giá là có thiết kế đẹp, phục vụ tốt nhu cầu làm việc, cũng như giải trí của người dùng. Tuy nhiên, rào cản lớn nhất của Apple là giá bán. Điều này đã khiến không ít người dùng tỏ ra dè bỉu với mẫu Apple Watch.

Tháng 6: Swift trở thành mã nguồn mở

Tại sự kiện WWDC 2015 diễn ra vào tháng 6 năm nay, Apple đã làm giới công nghệ phải sững sờ khi tuyên bố họ sẽ đem mã nguồn mở ngôn ngữ lập trình Swift 2 ra toàn thế giới. Nói cách khác, nếu Swift trở thành mã nguồn mở, những bên phát triển ứng dụng thứ ba có thể tạo ra những công cụ lập trình tốt hơn, sáng tạo hơn để việc viết code bằng Swift 2 trở nên đơn giản và dễ dàng.


Trong đó, Swift được tạo ra với mục đích giải quyết triệt để với các vấn đề tồn đọng của Objective C - một ngôn ngữ lập trình đã cũ và tương đối thiếu sự thân thiện. Hành động mở cửa ngôn ngữ Swift của Apple cũng đồng nghĩa, trong tương lai gần, những ứng dụng sử dụng Swift sẽ tràn ngập trên những nền tảng không phải của Apple: Android, Windows hay cả Web.

Tháng 7: CEO Reddit bị buộc từ chức

Sau một cuộc tranh cãi nảy lửa, Ellen Pao đã chính thức từ chức vị trí giám đốc điều hành của trang web Reddit, trang web có lượng truy cập cao thứ 10 tại Mỹ. Cuộc tranh cãi bắt đầu khi Ellen Pao sa thải quản trị viên cao cấp Victoria Taylor của chuyên mục iAMA (ask me anything) nổi tiếng. Ngay sau đó, những thành viên của Reddit đã tỏ ra vô cùng tức giận.

Cộng đồng này đã cùng nhau ký tên trên trang Change.org để phản đối vị CEO này và muốn cô phải từ chức, đến thời điểm hiện tại đã có hơn 200.000 chữ ký phản đối. Sau những sức ép trên, Ellen Pao đã xin từ chức, đồng thời lên tiếng xin lỗi người dùng. Cuối cùng, cựu giám đốc và cũng là đồng sáng lập trang web Reddit, ông Steve Huffman đã trở thành giám đốc điều hành mới.

Tháng 8: Google trở thành Alphabet

Bất ngờ xảy ra vào những ngày đầu tháng 8, ông Larry Page - đồng sáng lập của Google đã làm giới công nghệ phải "té ghế" khi ra quyết định tái cấu trúc gã khổng lồ tìm kiếm Google. Theo đó, Larry Page sẽ nhường lại vị trí CEO Google cho Sundar Pichai - giám đốc mảng Android, Google Chrome và có vai trò chủ chốt trong hầu hết các dịch vụ của Google hiện tại.

Trong khi đó, Larry Page và nhà đồng sáng lập Sergey Brin sẽ cùng nhau lãnh đạo công ty mới có tên là Alphabet - giờ đây là công ty mẹ sẽ quản lý Google và tất cả công ty con mà gã khổng lồ tìm kiếm đã thành lập trước đây. Tất nhiên, bản thân Google và Alphabet sẽ hoạt động độc lập với nhau, mỗi công ty sẽ đảm nhiệm những mảng công nghệ riêng.

Tháng 9: Apple giới thiệu bút cảm ứng mà Steve Jobs từng căm ghét

Trong buổi lễ ra mắt chiếc tablet cỡ khủng là iPad Pro vào tháng 9, Apple đã lần đầu trình làng một chiếc bút stylus do chính hãng này nghiên cứu và phát triển có tên Apple Pencil. Tuy nhiên, câu chuyện sẽ là không đáng nói nếu chúng ta biết rằng, cách đây 8 năm, cũng chính cố CEO Steve Jobs đã từng tỏ ra căm ghét mọi chiếc bút stylus, đồng thời khẳng định Apple sẽ không tạo ra một sản phẩm như vậy.


Theo như những trải nghiệm ban đầu, Apple Pencil đã được ra đời với nhiều tính năng vượt trội, đi kèm nhiều ứng dụng hỗ trợ như Notes, Mail hay thậm chí là bộ ứng dụng Office của Microsoft. Ngoài ra, Apple còn hợp tác với Adobe để phát triển nền tảng ứng dụng thiết kế mới hỗ trợ chiếc bút đầy quyền năng này. Tuy nhiên chiếc bút Pencil sẽ không được bán kèm với iPad Pro mà sẽ được bán riêng với giá lên tới 99 USD.

Tháng 12: CEO Facebook hiến tặng 99% cổ phần cho hoạt động thiện nguyện

Sau khi CEO Mark Zuckerberg và cô vợ Priscilla Chan đã thông báo với cả thế giới về sự chào đời của cô con gái đầu lòng Max. Vị tỷ phú trẻ tuổi đã tuyên bố sẽ dành tặng 99% số cổ phần tại Facebook của mình, trị giá 45 tỷ USD cho các hoạt động thiện nguyện bác ái trong suốt cuộc đời còn lại. Trong đó, mục đích cao đẹp mà Mark Zuckerberg hướng đến, là tạo ra một tương lai tốt hơn cho lớp thế hệ kế cận.

Sưu tầm Theo genk

Tags: